Tống Cẩm Chi hình như cảm giác được tôi đang nhìn bà ta thế là cũng quay sang nhìn tôi, “Nhìn gì mà nhìn, đó cũng là mẹ tôi!”

“Thế mà trước đây bà còn vội đòi tháo máy thở?”

Sắc mặt của Tống Cẩm Chi có chút mất tự nhiên, đấu tranh một hồi mới thở dài, “Công ty nhà họ Tống bây giờ đúng là không ổn, mẹ vừa ngã bệnh thì mấy tên cổ đông đều trở nên hỗn loạn, tôi mà có tiền lẽ nào tôi lại không bỏ ra? Nếu công ty lập tức phá sản thì những nhân viên theo chúng tôi mười mấy năm kia chẳng phải cả cơm cũng không được ăn hay sao?”

Tôi liếc nhìn Tống Cẩm Chi mà không nói gì.

Bà ta cũng nhìn tôi.

Dường như sợ tôi không tin, liền giơ cái túi Himalaya của mình rồi nói, “Cô xem cái này đi? Giả! Cái thật đã bán từ lâu rồi!”

Nói xong liền lật mấy chỗ ở trong túi ra cho tôi xem.

Thật ra thì tôi hoàn toàn mù tịt với mấy cái túi hàng hiệu thế này.

Nghĩ đến chuyện bình hoa nhà Tống Tuyết bị mang đi bán thì tôi cũng cảm thấy lời Tống Cẩm Chi nói không hẳn là hoàn toàn nói dối.

“Thảm thế cơ à?” Tôi nói tiếp.

“Chứ sao nữa! Cô nghĩ là mở công ty làm chủ dễ lắm à? Chính sách thì thay đổi hàng ngày, còn phải ứng phó với mấy tên quan chức…”

Trong lúc chờ Tống Tuyết thì Tống Cẩm Chi cứ như một người phụ nữ đầy bực dọc mà oán trách chuyện buôn bán khó khăn thế nào.

Tôi im lặng lắng nghe.

Rồi không kìm được nghĩ có phải Lý Hào Kiệt cũng như thế?

Ở trước mặt tôi anh ta luôn giữ vẻ bình tĩnh, dường như chưa từng nhắc đến sự khó khăn nào trong việc kinh doanh.

Trong mắt tôi thì việc kinh doanh của anh ta có vẻ luôn thuận buồm xuôi gió.

Đang lúc tôi không tập trung thì đèn phòng cấp cứu tắt.

Cửa mở ra, một bác sĩ đẩy xe đi ra, bên cạnh còn treo một bình nước, một y tá khác thì đẩy một chiếc xe đẩy đi bên cạnh. Trên đó đặt máy thở.

“Tình hình của bà tôi sao rồi?” Tôi vội qua hỏi.

Bác sĩ nhìn tôi, “Tình hình đã tạm thời ổn định lại, nhưng liệu có qua được ải này không thì còn phải dựa vào người bệnh.”

Tôi đi theo cạnh giường, nắm tay Tống Tuyết thì thào, “Bà, bà nhất định phải kiên cường lên.”

Tống Cẩm Chi chỉ đứng ở bên cạnh mà không nói gì.

Đêm đó tôi về nhà.

Trong lòng tôi vẫn cứ không yên tâm.

Nửa đêm —

“Em có thể luôn theo sau người, tựa chiếc bóng đuổi bắt ánh sáng trong mơ…”

Chuông điện thoại của tôi reo lên, tôi vốn đang ngủ say nhưng trong phút chốc lập tức tỉnh táo, tỉnh táo đến nỗi như bản thân đang ở ban ngày vậy!

Tôi cầm lấy di động.

Số hiện trên màn hình dù không được lưu nhưng tôi vẫn nhận ra đó là số bệnh viện nơi Tống Tuyết đang nằm.

“A lô.” Tôi nhận điện thoại, trái tim tôi đập mạnh liên hồi.

Lúc này, giọng nói của bác sĩ truyền đến từ đầu dây bên kia, “Chào cô, tôi gọi từ bệnh viện số hai…” Sau khi bác sĩ tự giới thiệu thì bắt đầu dùng một giọng điệu uyển chuyển nói những thuật ngữ đầy chuyên nghiệp sau đó mới nói, “Nhưng người bệnh vẫn từ trần vào rạng sáng 3 giờ 27 phút 42 giây giờ trong nước…”

Những lời sau đó tôi hoàn toàn không nghe được…

Tôi chỉ cảm thấy tai mình ong ong.

Tôi chẳng còn để ý được gì mà chạy vội ra cửa!

Thế nhưng, bây giờ là nửa đêm, dù là gọi xe trực tiếp hay đặt xe qua app đều không đón được xe!

Làm sao bây giờ!

Làm sao bây giờ!

Tôi nhìn app gọi xe đã hiện thị đợi mười mấy phút nữa, đường cùng rồi, tôi chỉ đành chạy thẳng đến bệnh viện.

Bệnh viện mà Tống Tuyết ở cách chỗ nhà tôi gần mười mấy cây.

Nếu chỉ chạy bộ, vậy thì e là phải chạy đến gãy chân.

Nhưng tôi chẳng thể nào để ý nhiều thế được!

Tôi chạy như điên, nhưng vì bình thường thiếu rèn luyện nên chỉ một đoạn tôi đã không còn sức nữa.

Nhưng app gọi xe vẫn không có phản ứng gì.

Tôi vẫn cố gắng chạy.

Thật kì lạ.

Tối hôm nay trên đường ngay cả một chiếc xe cũng không có.

Bầu trời tối om, không có một ngôi sao nào, cũng chẳng có ánh trăng.

Tôi không biết mình chạy bao lâu, cuối cùng cũng thấy hai luồng ánh sáng chiếu từ ngã tư đường tối tăm đang phi nhanh đến chỗ tôi!

“Dừng xe! Dừng xe!”

Trong nháy mắt đó, tôi chẳng hề tự hỏi mà xông thẳng đến trước cái xe!

Vì trời quá tối nên cái xe ấy đến rất gần mới thấy được tôi.

Tiếng phanh xe vang lên trong đêm vô cùng chói tai.

Nhưng chiếc xe đó vẫn không phanh kịp mà “ầm” một phát va vào tôi, khiến tôi bay ngược ra sau!

Những cũng may là chủ xe đã phanh lại nên tôi không bị đâm ra quá xa.

Người nọ nhanh chóng xuống xe hỏi thăm, “Cô không sao chứ?”

Mặc dù chân có chút đau thế nhưng lúc này tôi không có thời gian nghĩ về chuyện của mình, thế là liền khập khiễng đi về phía trước, rồi nói, “Xin anh, xin anh anh đưa tôi đến bệnh viện số hai.”

Lúc mà tôi đến gần chủ xe.

Anh ta đã gọi tôi, “Tống Duyên Khanh?”

“Anh Lý?”

Ai có thể ngờ được, một Vĩnh An rộng lớn thế, trong cái đêm tối này người tôi gặp phải lại là Lý Trọng Mạnh.

Anh ta xoay qua quan sát chân tôi, ân cần hỏi, “Cô không sao chứ? Muộn thế này cô…”

“Đưa tôi đến bệnh viện số 2 được chứ?” Tôi ngắt lời anh ta, “Cầu xin anh!”

“Được, cô lên xe đi.”

Lý Trọng Mạnh cũng không nói nhiều mà mở cửa ghế phụ cho tôi.

Tôi ngồi trên xe nói với anh ta đầy biết ơn, “Thật sự không ngờ có thể gặp anh ở đây, tôi gần như tuyệt vọng mất rồi.”

“Bệnh viện của tôi tối nay có nhận một ca trẻ em nuốt nhầm chất bảo quản, người nhà vô cùng kích động nên tôi ở lại để trấn an họ, đứa bé vừa ra khỏi phòng cấp cứu chuyển đến phòng bệnh nên giờ tôi mới về.” Lý Trọng Mạnh giải thích với tôi.

“Ừm.”

Tôi lúng túng gật đầu.

Có lẽ vì chạy lâu như vậy, nên tâm trạng tôi trở nên có chút chết lặng sau cảm xúc bi ai vừa rồi.

Lý Trọng Mạnh hình như cũng thấy tâm trạng tôi không tốt nên cũng không tiếp tục nói chuyện.

Anh ta cũng không hỏi tôi vì sao đi bệnh viện số hai.

Chờ đến nơi tôi liền nói câu “cảm ơn” rồi vội vã chạy vào bệnh viện.

Lúc này có rất nhiều người trong sảnh lớn của bệnh viện.

Ngoài Tống Cẩm Dương còn có Phan Ngọc, Tống Duyên Minh, và cả chồng con của Tống Cẩm Chi, thêm một số người nhà họ Tống.

Còn có cả bác sĩ và cảnh sát.

Tôi ở bên ngoài nhìn thấy Tống Cẩm Chi đang đứng đầu đôi co gì đó với bác sĩ.

Tôi chen vào nghe một cách cẩn thận mới hiểu Tống Cẩm Chi đang nói với bác sĩ rằng cái chết của Tống Tuyết là do sự cố chữa bệnh của phía họ, thế nên nhất định phải bồi thường.

Bởi vì có cảnh sát giảng hòa nên hai bên mới không có to tiếng cãi vã.

Mà chỉ lý luận.

Tôi nhìn xung quanh thì mới thấy ở chỗ ngoặt của hành lang có một chiếc xe, trên đó có một người đang nằm, bên trên được đắp một tấm vải trắng.

Mọi người đều vì chuyện bồi thường mà cãi vã, mà thi thể của Tống Tuyết lại bị để sang bên cạnh một cách cô quạnh, chẳng ai để ý.

Tôi đi qua đứng vào giữa bác sĩ và Tống Cẩm Chi, nói với họ, “Bà nội đã mất rồi! Tại sao mấy người không nghĩ đến chuyện hậu sự trước mà còn so đo chuyện bồi thường gì đó vào lúc này?”

Tôi nói xong thì tất cả mọi người đều nhìn về phía tôi.

Mồm và mắt của Tống Cẩm Chi đều mở to ra, “Cô nói gì đấy hả? So đo chuyện bồi thường? Có phải cô điên rồi không! Bây giờ không nói rõ ràng, chẳng lẽ chờ hỏa táng xong mới nói? Đến lúc đó cô có chứng cứ không?”

“Tôi…”

“Nhanh tránh ra đi, đừng có chuốc thêm phiền ở đây!”

Tôi chưa nói gì thì đã bị Tống Cẩm Chi đẩy sang một bên.

Tôi ngẩng đầu thì nhìn thấy người nhà họ Tống đều đang nhìn tôi, vẻ mặt của họ khác nhau nhưng từ hành vi của họ thì tôi biết, họ đều đang đợi bệnh viện bồi thường, rồi mong chia chác được phần nào.